Nội dung website sẽ được cập nhật, bổ sung đầy đủ trong thời gian sớm nhất.

Danh mục bài học CS6

Những bài cơ bản nhất trong Photoshop CS6, xem tại link này:
Nhập môn photoshop

Các lệnh về chỉnh sửa màu sắc cho file ảnh xem trong link này:
Hiệu chỉnh màu sắc

Các lệnh và công cụ về cắt ghép, xử lý ảnh xem ở link này:
Xử lý hình ảnh

Các vấn đề khác có liên quan đến Photoshop, hình ảnh xem ở đây:
Các vấn đề khác

Bài 3: Tạo một tập tin mới

Photoshop cs6 ngoài việc cho phép chúng ta mở  một file ảnh đã lưu trữ trong máy tính hay thiết bị lưu trữ ra màn hình làm việc để xử lý nó còn cho phép tạo ra một file hoàn toàn mới. Ví dụ như chúng ta cần thiết kế một tờ lịch treo tường, một tấm danh thiếp, một bộ brochure, một bìa đĩa DVD…thì chúng ta phải tạo ra một file mới với kích thước đúng như chúng ta mong muốn.

Việc tạo một file trong photoshop là rất đơn giản, bạn thực hiện một trong các cách sau đây:
  1. Bấm phím Ctrl – N trên bàn phím.
  2. Chọn lệnh File\ New.
Cả hai cách trên đều mở ra một cửa sổ tạo một file mới như hình sau đây:

cửa sổ tạo file mới trong photoshop cs6
Cửa sổ tạo một file mới
Trong hình minh họa bên trên, các khung cần nhập dữ liệu đã đánh số từ 1 đến 6, ý nghĩa của các thông số đó được giải thích như dưới đây:

1 – Khung Name: Trong khung này bạn nhập vào một cái tên tùy ý cho file mà bạn đang tạo mới, mặc định photoshop sẽ đặt tên cho nó là Untitle-1, Untitle-2…Tuy nhiên bạn có thể bỏ qua bước đặt tên này vì sau khi bạn thiết kế hoàn chỉnh và lưu lại thì photoshop sẽ yêu cầu bạn nhập tên file.

2 – Khung Width: Bạn nhập vào kích thước chiều rộng (ngang) của file, bạn nên chọn đơn vị đo trước khi nhập vào kích thước chiều ngang, trên hình minh họa hiện tại đơn vị chiều rộng là Pixels. Bạn nhấp chuột vào khung đơn vị rồi chọn một đơn vị mà bạn muốn ( ví dụ như Centimet hay Milimet) xong rồi nhập vào khung kế bên kích thước ngang của file.

3 – Khung Height: Bạn nhập vào kích thước chiều cao (hay chiều đứng) cho file cũng tương tự như trên.

Ví dụ bạn muốn tạo một file khổ A4 thì bạn chọn đơn vị là mm rồi nhập vào giá trị trong khung Width là 210, khung Height là 297.

4 – Khung Resolution: Trong khung này bạn nhập vào độ phân giải cho file, trước khi nhập giá trị bạn nên chọn đơn vị của độ phân giải, trong hầu hết các trường hợp bạn nên chọn độ phân giải là Pixels/Inch. Một file có thể in ra đạt chất lượng cao thì thường chọn độ phân giải là 300 Pixels/Inch.

5 – Khung Color Mode: Khung này để chọn hệ màu và số bit màu trên một kênh, trong hình minh họa trên thì hiện tại hệ màu là RGB và số bit màu là 8 bit/kênh.

Có tất cả 5 hệ màu là: Bitmap; Grayscale; RGB Color; CMYK Color và Lab Color nhưng 2 hệ màu thông dụng nhất đó là RGB và CMYK. Nếu bạn có ý định tạo ra file ảnh để in công nghiệp (ví dụ như in ofset) thì chọn hệ màu là CMYK vì công nghệ in này dùng hệ 4 màu. Còn nếu bạn muốn tạo ra file để in bằng máy in thường hay in tại các lab ảnh kỷ thuật số thì chọn hệ màu là RGB.

Về số bit màu thì nên chọn là 8 bit mặc dù photoshop cs6 cho phép dùng số bit màu lên đến 16 hoặc 32 bit trên 1 kênh. Số bit màu càng lớn thì khả năng thể hiện màu càng nhiều và dĩ nhiên dung lượng file sẽ lớn, tuy nhiên có thể một số thiết bị đầu cuối không thể hiện hết không gian màu. Với file mà bạn muốn in ra có kích thước khoảng 60cm x 90cm bạn hoàn toàn có thể dùng số bit màu là 8 bit/kênh.
Nói  tóm lại bạn nên chọn trong khung số 5 này là hệ màu RGB hay CMYK và 8 bit.

6 – Khung Background Contents: Khung này có 3 giá trị cho trước là White, Background Color và Transparent.
  • - Nếu chọn White thì file mà bạn đang tạo sẽ có nền (background) màu trắng.
  • - Nếu chọn là Background Color thì màu nền của file sẽ là màu hiện tại của hộp màu Background trên thanh công cụ, hộp màu background hiện đang là màu gì thì nền file sẽ có màu đó.
  • - Nếu chọn là Transparent thì nền file sẽ là trong suốt, nền trong suốt sẽ như hình sau:


hinh nen file trong suot
Nền file trong suốt - transparent
 Các giá trị khác ngoài các số từ 1 đến 6 trên hộp thoại “New file” (như hình minh họa đầu tiên) này bạn nên để mặc định như photoshop đã định sẵn.

Ngay bên dưới khung Name là khung Preset, khung này cho phép chúng ta tạo ra một số "kích thước chuẩn” ngoài những giá trị mà photoshop đã tạo sẵn để sau này sử dụng.

Ví dụ bạn tạo một file có kích thước, độ phân giải, hệ màu, bit màu mà bạn muốn, sau này nếu bạn muốn tạo lại một file có thông số giống y như vậy bạn phải nhập lại từ đầu. Thay vì vậy, trong khi tạo file mới bạn nhấp nút Save Preset để lưu lại các thông số này (photoshop sẽ yêu cầu bạn đặt tên cho preset) và sau này khi cần dùng bạn chỉ cần chọn lại preset này mà không cần phải nhập lại từ đầu các giá trị đó. Cụ thể hơn, ví dụ bạn tạo file có kích thước 210mm x 297mm, độ phân giải là 300 pixels/inch, hệ màu là RGB, màu nền cho file này là Blue, 8 bit màu/kênh, sau đó bạn chọn Save Preset để lưu lại thông số này với tên preset là “file khổ A4”. Sau này nếu cần tạo ra một file mới với các giá trị y như vậy bạn chỉ cần vào khung preset và chọn đúng tên “file khổ A4” thì mọi thông số sẽ được dùng lại mà không cần phải nhập lại từ đầu.

Thông số này thực ra không quan trọng nên bạn cũng không cần quan tâm làm gì, việc tạo một file mới chỉ mất có vài giây thì việc lưu preset là không cần thiết.

Qua bài này mong rằng các bạn sẽ từng bước tự học photoshop  online thông qua website www.photoshopcs6full.com một cách dể dàng, Bài sau các bạn sẽ tìm hiểu về Cách lưu một file ảnh sau khi đã xử lý.

Mời xem video của bài này, nên xem full screen:

 

Mời các bạn xem tiếp bài: Cách lưu file ảnh đã xử lý xong.

No comments:

Post a Comment