Nội dung website sẽ được cập nhật, bổ sung đầy đủ trong thời gian sớm nhất.

Danh mục bài học CS6

Những bài cơ bản nhất trong Photoshop CS6, xem tại link này:
Nhập môn photoshop

Các lệnh về chỉnh sửa màu sắc cho file ảnh xem trong link này:
Hiệu chỉnh màu sắc

Các lệnh và công cụ về cắt ghép, xử lý ảnh xem ở link này:
Xử lý hình ảnh

Các vấn đề khác có liên quan đến Photoshop, hình ảnh xem ở đây:
Các vấn đề khác

Bài 5: Vùng chọn cơ bản - Rectangular Marquee

Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu những vấn đề cơ bản nhất trong khi xử lý ảnh đó là việc tạo ra vùng chọn.

Vùng chọn là gì?
Khi làm việc với photoshop cs6 nói chung hoặc các phiên bản cũ như CS5, CS4, CS3... thì chúng ta thường xuyên làm việc với vùng chọn. Tạo vùng chọn tức là khoanh vùng một khu vực nào đó trên file ảnh để khi xử lý chỉ khu vực bên trong vùng chọn đó bị tác động còn các vùng bên ngoài nó sẽ không bị ảnh hưởng. Nếu không tạo ra vùng chọn thì khi xử lý photoshop sẽ hiểu rằng chúng ta muốn thực hiện chỉnh sửa trên toàn bộ file ảnh.

Ví dụ tôi có một bức ảnh chân dung một cô người mẫu có đôi môi màu hồng nhạt, giờ tôi muốn xử lý cho môi của cô ấy có màu tím đậm còn các phần khác vẫn giữ nguyên thì tôi phải khoanh vùng phần môi của cô ấy để chỉnh sửa, nếu không khoanh vùng thì khi tôi “tô” màu tím thì toàn bộ bức ảnh sẽ bị tím theo, việc khoanh vùng đó gọi là tạo vùng chọn.

Khi tạo ra một vùng chọn thì đường biên của vùng chọn là nét gạch mảnh đứt đoạn và "động đậy" nhìn giống như “đàn kiến diễu hành” hay các nét đang rượt đuổi nhau. Photoshop cs6 cung cấp cho chúng ta nhiều công cụ để tạo vùng chọn từ đơn giản đến phức tạp (vùng chọn phức tạp ví dụ như khoanh vùng để xử lý mái tóc).

Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về các công cụ tạo vùng chọn đơn giản nhất, không đề cập đến việc  sẽ làm gì, chỉnh sửa màu sắc thế nào sau khi đã tạo ra vùng chọn, việc đó là trong những bài hướng dẫn sau này. Chúng ta sẽ tìm hiểu các công cụ trong nhóm đầu tiên, nhóm này nằm trên thanh công cụ như hình minh họa bên dưới.

thanh công cụ trong photoshop cs6
Thanh công cụ trong photoshop cs6
 Nói thêm: Trên đầu thanh công cụ các bạn thấy có nút 2 hình tam giác nhỏ màu trắng, nhấp chuột vào đó thì các công cụ trên thanh này sẽ gom lại thành 1 cột, nhấp lần nữa sẽ trở thành 2 cột, hiện tại ở hình minh họa bên trên là đang bố trí thành 2 cột.

Để thực tập cách sử dụng các công cụ trong nhóm này trước tiên bạn nên tạo 1 file mới có kích thước chiều rộng là 500px, cao 400px, độ phân giải 72pixels/inch và màu nền là trắng (dĩ nhiên bạn có thể sử dụng kích thước khác nếu muốn) và nếu cần thì xem lại bài tạo file mới.

Đưa trỏ chuột vào nhóm công cụ này,  nhấp giữ chuột khoảng 3 giây sẽ xuất hiện một cửa sổ con, trong cửa sổ này có 4 công cụ là Recrtangular Marquee, Eliptical Marquee, Single Row và Single Column. Khi cần sử dụng công cụ nào bạn nhấp chuột lên công cụ đó để chọn nó. Sau đây là cách sử dụng lần lượt các công cụ vừa nêu.

Công cụ Rectangular Marquee:
Dùng để tạo một vùng chọn tùy ý có dạng hình tứ giác (có thể là hình chữ nhật hoặc hình vuông). Sau khi chọn công cụ này bạn đưa chuột vào bên trong file ảnh, nhấp giữ chuột đồng thời rê sang phải và xuống dưới, khi đó bạn sẽ thấy một vùng chọn “nhấp nháy” xuất hiện, khi bạn nhả chuột ra thì sẽ tạo được một vùng chọn hình tứ giác mà đường chéo của hình này bắt đầu tại điểm bạn nhấp chuột và kết thúc tại điểm bạn nhả chuột, hình này lớn hay nhỏ tùy theo bạn rê chuột. Kể từ lúc này mọi việc xử lý, tô màu… chỉ có tác dụng bên trong hình tứ giác mà bạn vừa tạo ra.

Tạo vùng chọn bằng Rectangular Marquee
Tạo vùng chọn bằng Rectangular Marquee
Nhấp giữ chuột rê từ A sang B để tạo vùng chọn.

Mẹo: Khi chọn chế độ Normal để vẽ tự do tạo ra một vùng chọn hình tứ giác, bạn bấm kèm phím Shift sẽ tạo ra vùng chọn hình vuông, bấm kèm Alt – Shift sẽ tạo vùng chọn hình vuông có tâm trùng với điểm nhấp chuột.

Sau khi tạo xong vùng chọn, nếu bạn muốn hủy bỏ nó thì chọn 1 trong các cách sau:
  1. Bấm tổ hợp phím Ctrl – D trên bàn phím.
  2. Chọn lệnh từ Menu Select\Deselect.
  3. Nhấp chuột ở vị trí bất kỳ bên ngoài vùng chọn (chỉ có tác dụng khi chọn nút New selection).
Khi dùng công cụ Rectangular Marquee để tạo vùng chọn hình tứ giác bằng cách rê chuột như trên thì chúng ta không thể xác định được kích thước chiều rộng và cao của của nó, vùng chọn lớn hay nhỏ phụ thuộc vào việc rê chuột. Vậy nếu bạn muốn tạo một vùng chọn là hình vuông hay hình chữ nhật đúng bằng kích thước cho trước thì phải làm sao? Lúc này chúng ta sẽ sử dụng đến thanh tùy chọn như trong bài giới thiệu giao diện tôi đã đề cập đến. Thanh tùy chọn nằm dưới thanh menu (còn gọi là thanh trình đơn) và các nút trên nó khác nhau theo từng công cụ, xem hình minh hoa bên dưới:

Thanh tùy chọn trong photoshop c6
Thanh tùy chọn trong photoshop c6
Thanh tùy chọn đối với công cụ Rectangular Marquee có nhiều thông số cho người sử dụng chọn theo ý muốn. Từ đây về sau tôi tạm gọi chung các biểu tượng, các khung nhập giá trị trên thanh này là các nút.

Trên thanh tùy chọn này có nút Feather với giá trị mặc định là 0px, tạm thời không cần nhập giá trị này, bạn có thể tìm hiểu thêm Feather là gì?

Trước tiên chúng ta tìm hiểu cách để vẽ một vùng chọn với kích thước cho trước.

Nhìn trên thanh tùy chọn bạn thấy có nút Style (xem hình minh họa trên), nhấp chuột vào khung này sẽ mở ra 3 thuộc tính mà photoshop đã định sẵn là Normal, Fixed Ratio và Fixed Size.

  1. Normal: Chọn chế độ này là để tạo vùng chọn tự do bằng cách rê chuột như đã tạo ở trên. Khi chọn Normal thì hai khung Width và height bị vô hiệu hóa, không thể nhập giá trị vào.
  2. Fixed Ratio: Chọn chế độ này là để tạo một vùng chọn theo tỉ lệ cố định cho trước, tỉ lệ này do chúng ta nhập vào. Khi chọn chế độ này thì hai khung Width và Height sẽ có hiệu lực, bạn nhập giá trị vào 2 khung này là một con số nào đó, ví dụ nhập giá trị Width=1 và Height=5 thì khi bạn rê chuột sẽ tạo ra một vùng chọn luôn luôn có kích thước chiều cao lớn gấp 5 lần chiều ngang. Dĩ nhiên nếu nhập giá trị ở 2 khung là một con số giống nhau thì sẽ tạo được vùng chọn hình vuông nhưng không xác định được kích thước cụ thể.
  3. Fixed Size: Chế độ này  dùng để tạo vùng chọn có kích thước cụ thể cho trước. Khi chọn chế độ này bạn phải nhập vào 2 khung Width và Height giá trị và đơn vị đo. Ví dụ muốn tạo hình vuông có độ dài cạnh là 100px thì bạn phải nhập 100px vào cả 2 khung, muốn tạo hình vuông cạnh 40mm thì nhập 40mm vào cả 2 khung Width và Height. Đối với chế độ này khi tạo vùng chọn bạn không cần rê chuột mà chỉ cần nhấp chuột một lần là nó tự động tạo ra vùng chọn với kích thước đã cho.
Ngoài ra trên thanh tùy chọn còn có các nút chức năng khác (gồm 4 nút) nằm trong vùng được đánh dấu chữ A như trên hình minh họa. Các nút lần lượt từ trái qua phải có ý nghĩa như sau đây:

Mẹo: Để biết được tên của nút, bạn đưa trỏ chuột đến nút đó và chờ vài giây sẽ xuất hiện Tool Tip cho biết tên của nút đó là gì. Khi một nút đã được chọn, nó xem giống như bị lún xuống trên nền xám đen.

1 – Nút New Selection:  Nút này cho phép luôn luôn tạo ra một “vùng chọn mới” cho dù bạn tạo vùng chọn theo chế độ Normal, Fixed Ratio hay Fixed Size. Sau khi bạn rê chuột để tạo xong một vùng chọn, bạn tạo tiếp một vùng chọn thứ hai thì vùng chọn ban đầu tự động biến mất chỉ còn lại vùng mà bạn tạo lần sau cùng.

2 – Nút Add to selection: Như tên gọi của nó, nút này cho phép tạo ra một vùng chọn mới là “cộng” của hai vùng chọn ban đầu. Không như nút new, nút Add to selection không làm mất vùng chọn ban đầu mà nó cộng thêm vào.  Xem ví dụ trong hình minh họa bên dưới.

Hình minh họa Add to selection
Hình minh họa Add to selection
Trước tiên tôi tạo một vùng chọn hình vuông có chiều dài cạnh 100px.
Tiếp theo tôi nhấp chuột vào nút “Add to selection” trên thanh tùy chọn để kích hoạt nó.
Tiếp theo tôi tạo thêm một vùng chọn là hình chữ nhật (đường chéo AB như hình minh họa) theo chế độ Fixed Ratio có tỉ lệ width=1; height=3. Tôi vẽ hình chữ nhật này bằng cách nhấp chuột vào điểm A nằm bên trong hình vuông rồi kéo đến điểm B, cuối cùng sẽ có một vùng chọn mới là “cộng” của 2 hình vuông và chữ nhật.

Nếu vẽ thêm nhiều vùng chọn khác nữa thì cứ thế nó sẽ được cộng thêm vào.

Mẹo: Sau khi tạo vùng chọn thứ nhất, thay vì nhấp chuột vào nút “Add to selection” để cộng thêm vùng chọn, bạn kết hợp bấm giữ phím SHIFT trong khi tạo vùng chọn thứ hai thì nút “Add to selection” sẽ tạm thời kích hoạt cho bạn thêm vùng chọn, khi nhả phím SHIFT thì sẽ trở về trạng thái ban đầu. Như vậy bạn khỏi mất công đưa chuột lên thanh tùy chọn để chọn nút “Add to selection”.

3 – Subtract from selection: Chức năng này là trừ vùng chọn, nó ngược lại với nút Add to selection. Chọn nút Subtract from selection trước xong thực hiện việc tạo vùng chọn y như ví dụ trên sẽ có kết quả là trừ của hai vùng chọn, như hình minh họa dưới đây.

Hình minh họa Subtract from selection
Hình minh họa Subtract from selection
Nếu vẽ thêm nhiều vùng chọn khác nữa thì cứ thế nó sẽ được trừ ra.

Mẹo: Sau khi tạo vùng chọn thứ nhất, thay vì nhấp chuột vào nút “Subtract from selection” để trừ bớt vùng chọn, bạn kết hợp bấm giữ phím ALT trong khi tạo vùng chọn thứ hai thì nút “Subtract from selection” sẽ tạm thời kích hoạt cho bạn trừ vùng chọn, khi nhả phím ALT thì sẽ trở về trạng thái ban đầu. Như vậy bạn khỏi mất công đưa chuột lên thanh tùy chọn để chọn nút “Subtract from selection”.
 

4 – Intersect with selection: Chức này sẽ tạo ra một vùng chọn mới là phần giao nhau của hai vùng chọn ban đầu. Cũng thực hiện lại ví dụ trên sẽ có kết quả như hình minh họa sau đây:

Intersect with selection
Intersect with selection
Những ví dụ bên trên là tôi tạo vùng chọn với kích thước cụ thể, bạn có thể chọn chế độ Normal để tạo vùng chọn tự do để hiểu rõ cách sử dụng công cụ này và các tùy chọn liên quan đến nó.

Mời xem video của bài này, nên xem full screen:



Mời xem bài tiếp theo: Công cụ Elliptical Marquee

1 comment:

Xin chú ý về bình luận:
Để xây dựng nội dung website ngày một tốt hơn nhằm phục vụ tốt nhất cho toàn thể các bạn đến thăm website, rất mong nhận được những bình luận, góp ý hoặc phê bình từ người xem. Nếu phê bình cũng nên nêu rõ những phần khiếm khuyết cần phải khắc phục của website từ cách trình bày, nội dung, văn phong...và phê bình phải mang tính xây dựng để có nội dung tốt hơn. Bình luận sẽ bị xóa nếu:
1. Cố tình spam.
2. Dùng từ ngữ thiếu tế nhị, tục tĩu.
3. Công kích, chê bai người khác, thiếu tính xây dựng.
4. Không liên quan đến chủ đề photoshop, đồ họa, hình ảnh.

  1. Anonymous28/3/15

    Cảm ơn bạn về bài viết, rất chi tiết và đầy đủ. Mong website ngày càng phát triển

    ReplyDelete